Blog
Tiêu chuẩn KNX là gì? KNX có thực sự là một giải pháp tối ưu trong cuộc sống hiện đại
KNX là một tiêu chuẩn công nghệ nhà thông minh, và chúng đang dần trở thành một xu hướng đáng chú ý trong thế giới công nghệ hiện đại. Mặc dù tiêu chuẩn này đã được xây dựng từ năm 1990 tại châu Âu nhưng thời gian gần đây, KNX mới được nhắc đến ngày càng nhiều trong lĩnh vực kiến trúc và xây dựng tại Việt Nam. Vậy KNX là gì? Tại sao công nghệ này lại có sức hấp dẫn đến như vậy? Chúng ta có nên ứng dụng giải pháp KNX vào cuộc sống thường ngày hay không? Hãy cùng HISVN tìm hiểu sâu hơn về KNX cũng như những ứng dụng và tiện ích vượt trội mà KNX mang lại trong thời đại hiện nay nhé!
KNX là gì?
KNX (viết tắt của KONNEX) là một tiêu chuẩn mở (chuẩn được cung cấp miễn phí cho công chúng truy cập và sử dụng) duy nhất trên thế giới được công nhận bởi CENELEC, CEN, SAC, ANSI/ASHRAE và ISO/IEC dành cho việc quản lý các thiết bị, chức năng của hệ thống nhà thông minh. Công nghệ này giúp bạn quản lý, điều khiển tất cả các thiết bị trong không gian sống và làm việc của mình một cách dễ dàng mà không cần phải tốn công sức và thời gian.
Tính đến hiện tại, Hiệp hội KNX đã có hơn 500 thành viên tại 190 quốc gia sản xuất các sản phẩm theo tiêu chuẩn KNX. Vì vậy, KNX cho phép kết hợp các thiết bị ánh sáng, rèm, cửa, máy điều hòa,… từ hơn 500 nhà sản xuất khác nhau trong Hiệp hội. Khi lắp đặt hệ thống KNX, tất cả các thiết bị sẽ hoạt động và tương tác nhịp nhàng với nhau dựa trên tiêu chuẩn chung được quy định bởi KNX.
Nguyên lý hoạt động của KNX
Hệ thống nhà thông minh chuẩn KNX được xây dựng trên nền tảng công nghệ dẫn truyền BUS, nghĩa là tất cả các thiết bị vật lý trong nhà được kết nối với nhau thông qua dây cáp này. Khi đó, các thiết bị sẽ giao tiếp với nhau thông qua một ngôn ngữ chung. Người dùng có thể điều khiển tất cả các thiết bị kết nối với đường BUS chung bằng điện thoại, giọng nói, phím bấm, màn hình cảm ứng. Vì mọi thiết bị trong hệ thống KNX trao đổi dữ liệu thông qua BUS chung và được quy định rõ ràng bằng phương thức truy cập “bus access”.
Nguyên lý hoạt động của KNX sẽ quản lý cách hoạt động của các thiết bị được kết nối với BUS chung như sau:
- Cặp bus xoắn nối vào những thiết bị trong hệ thống để tất cả được kết nối lại với nhau.
- Khi có lệnh/hành động như ai đó chạm vào màn hình cảm ứng, ấn phím bấm, có người di chuyển, kẻ lạ đột nhập,… các bộ phận cảm biến (nút nhấn, bộ điều nhiệt, máy đo gió, cảm biến chuyển động) làm nhiệm vụ nhận dạng hành động. Sau đó, thông tin sẽ được gửi theo đường truyền dẫn bus lên hệ thống ở dạng điện tín dữ liệu.
- Bộ phận trung tâm tiếp nhận thông tin và thực hiện quá trình mã hóa nhằm tạo thành các lệnh rồi truyền đến bộ phận truyền động.
- Bộ phận truyền động sẽ xử lý các lệnh được truyền đến rồi tạo thành các chuyển động cụ thể theo yêu cầu của người dùng. Ví dụ như mở/tắt đèn, đóng/mở rèm, cửa, tăng/giảm nhiệt độ máy điều hòa…
Một đặc điểm quan trọng của hệ thống KNX chính là cấu trúc điều khiển phân tán, mỗi thiết bị KNX đều có bộ vi xử lý riêng. Do đó, mỗi bộ phận đều có thể thực hiện chức năng một cách độc lập mà không bị phụ thuộc lẫn nhau. Như vậy, nếu có xảy ra sự cố ở một thành phần nào đó, các thiết bị còn lại vẫn hoạt động bình thường mà không gây gián đoạn cho cả hệ thống.
Mỗi KNX đều có giao diện hệ thống gồm phần mềm ứng dụng và phần mềm vận hành. Việc truy cập hệ thống KNX được thực hiện dễ dàng qua mạng internet và điều khiển thông qua điện thoại thông minh, màn hình cảm ứng hoặc máy tính, máy tính bảng.
Tiêu chuẩn KNX được xây dựng từ đâu?
Tiêu chuẩn KNX được xây dựng và phát triển dựa trên 3 tiêu chuẩn trước đó, gồm: tiêu chuẩn European Home Systems Protocol – EHS (một giao thức truyền thông nhằm mục đích điều khiển và liên lạc các thiết bị gia dụng sử dụng giao tiếp đường dây điện), BatiBus, European Installation Bus – EIB (hệ thống điều khiển các thiết bị điện thông minh của Châu Âu). Từ đó, tiêu chuẩn KNX trở thành tiêu chuẩn quốc tế được ISO/IEC 14543-3 và tiêu chuẩn châu Âu (CENELEC EN 50090/ CEN EN 13321-1) công nhận. Công nghệ chuẩn quốc tế KNX/EIB hiện nay đã có 500 hãng sản xuất thiết bị đạt chuẩn, 95.000 chuyên gia tại 190 quốc gia trên khắp thế giới được cấp chứng chỉ.
KNX dành cho những loại công trình nào?
Với phương thức hoạt động mở, KNX được áp dụng rộng rãi trong hầu hết các loại nhà và không gian ngoài trời như:
- Căn hộ và khu dân cư
- Trường học, khách sạn, văn phòng, bệnh viện,…
- Khu trung tâm thương mại, toà nhà, plaza, hệ thống công nghiệp.
- Không gian ngoài trời: công viên, vườn hoa,…
Những lý do bạn nên chọn giải pháp KNX
- Tiện lợi và tối ưu: KNX cho phép bạn điều khiển toàn bộ thiết bị trong môi trường sống của bạn bằng màn hình cảm ứng, điện thoại thông minh, công tắc thông minh.
- Không giới hạn kịch bản và tính năng điều khiển: người dùng có thể tự tạo cho mình không gian theo nhu cầu và sở thích cá nhân bằng cách điều khiển, phối hợp các tính năng lại với nhau.
- Thiết kế tinh xảo, sang trọng với mẫu mã đa dạng: phím bấm, màn hình được thiết kế tinh tế với nhiều sự lựa chọn, đáp ứng nhiều phong cách nội thất khác nhau.
- Không phụ thuộc, không lỗi thời theo thời gian: tiêu chuẩn KNX độc lập với phần cứng và phần mềm. Điều đó có nghĩa là khi công nghệ phát triển, mọi thiết bị KNX đều có thể giao tiếp được với nhau và điều khiển trên cùng một hệ thống nếu được tuân thủ theo tiêu chuẩn KNX.
Như vậy, KNX là một hệ thống tiêu chuẩn thông minh dành cho các công trình hiện đại trong thế hệ 4.0 và đã được quốc tế công nhận. Hiện nay, xu hướng ứng dụng KNX trong không gian sống không còn quá xa lạ trên toàn cầu cũng như tại Việt Nam vì sự tiện nghi, thoải mái và tính thẩm mỹ cao.