7 hình thức điều khiển chiếu sáng trong ngôi nhà thông minh KNX

/ / Tin tức

Khi thiết kế một dự án nhà thông minh, các kỹ sư cần tính toán và lập kế hoạch nhiều hạng mục cần điều khiển như: chiếu sáng, HVAC, rèm, an toàn, an ninh, quản lý năng lượng và tự động hóa … trong đó, điều khiển chiếu sáng luôn là tính năng đầu tiên cần được xem xét và lập kế hoạch cẩn thận.

Dưới góc độ điều khiển, hệ thống KNX cung cấp 7 hình thức điều khiển chiếu sáng cụ thể để giúp các kỹ sư và khách hàng bàn bạc và lựa chọn phương thức điều khiển phù hợp với công năng của các khu vực khác nhau trong ngôi nhà. Dưới đây là các tính năng điều khiển chiếu sáng thường được sử dụng trong hệ thống KNX :

1. Điều khiển bật/tắt tức thời

Điều khiển bật/tắt tức thời là hình thức điều khiển cơ bản. Hiệu ứng của nó là bật và tắt các lộ đèn thông qua việc nhấn phím điều khiển dạng toggle hoặc ON/OFF. Hình thức này áp dụng cho mọi khu vực cần được chiếu sáng trong ngôi nhà nhằm đảm bảo người sử dụng có thể điều khiển trực tiếp ánh sáng từng khu vực khi có nhu cầu. Hình thức này hoàn toàn không có chút “tự động hóa” nào nhưng nó đảm bảo người dùng kiểm soát được trạng thái điều khiển và ra quyết định khi họ muốn.

Switching là hình thức điều khiển chiếu sáng cơ bản nhất

2. Điều khiển có đếm thời gian

Dạng thức điều khiển này thường được áp dụng cho khu vực nhà kho, phòng giặt hay khu vực cầu thang. Nhìn chung là điều khiển cho những khu vực có thời gian sử dụng ngắn hạn và dễ quên tắt đèn khi sử dụng xong. Ví dụ, khi bạn bật đèn cầu thang (giả sử trong trường hợp không detect người bằng cảm biến), đèn sáng và bạn di chuyển lên tầng 2, thời gian di chuyển khoảng 20s. Vậy bạn có thể đặt hệ thống tự đếm 30s sau đó tự động tắt đèn. Lưu ý là dạng thức điều khiển này thường kết hợp với cảm biến ánh sáng, cảm biến di chuyển để tự động bật đèn và tắt đèn sau một khoảng thời gian nhất định.

Điều khiển chiếu sáng có đếm thời gian thường áp dụng tại khu vực cầu thang

3. Điều khiển màu sắc ánh sáng đèn

Người dùng thường có xu hướng thích một loại sắc độ ánh sáng nào đó: có thể là sáng trắng hoặc sáng ấm hoặc trung tính. Tuy nhiên, sở thích đó có thể thay đổi theo mùa hoặc theo sự kiện của gia đình: mùa đông sử dụng ánh sáng ấm, mùa hè sử dụng ánh sáng trắng, có sinh nhật thì sử dụng ánh sáng rực rỡ. Sắc độ và nhiệt độ màu của ánh sáng đèn có thể được điều chỉnh linh hoạt thông qua các thiết bị điều khiển chuyên dụng của KNX. Hình thức điều khiển này không phải là hình thức phổ biến do thói quen sử dụng ánh sáng không quá cầu kỳ của đa số khách hàng. Dù vậy, vẫn có những khách hàng ưa chuộng hình thức điều khiển màu sắc ánh sáng do sở thích cá nhân và đặc thù nghề nghiệp.

Ánh sáng nhiều màu sắc tạo không gian đẹp mắt trong căn nhà thông minh

4. Điều khiển cường độ ánh sáng đèn

Tăng hoặc giảm cường độ ánh sáng đèn là hình thức điều khiển được nhiều người dùng ưa chuộng. Việc có thể chủ động điều chỉnh cường độ ánh sáng đèn giúp người dùng có được ánh sáng linh hoạt phù hợp với sự kiện hoặc công việc tại từng thời điểm cụ thể. Ví dụ, bạn sử dụng một lộ đèn thả cho bàn ăn. Vào thời điểm ăn tối, bạn có thể tăng cường độ ánh sáng nhưng vào lúc đêm khuya, bạn lại có thể giảm cường độ ánh sáng tại khu vực bàn ăn để phù hợp với một tách trà và một chiếc laptop làm việc đêm khuya.

 
Thiết kế điều khiển cường độ ánh sáng đèn tại các khu vực bàn ăn và sofa

Thiết kế điều khiển cường độ ánh sáng đèn tại khu vực bàn ăn và sofa

5. Tự động bật/tắt theo cảm biến

Tính năng này là một dạng của chế độ tự động hóa. Nghĩa là việc bật/tắt đèn của một hoặc nhiều khu vực dựa trên sự kiện đầu vào, được phát hiện bởi cảm biến. Cảm biến ánh sáng, di chuyển sẽ phát hiện các sự kiện xảy ra trong phạm vi quét của chúng và gửi tín hiệu vào hệ thống KNX để quyết định việc bật hay tắt đèn. Ví dụ, bạn quy định rằng, khu vực cầu thang sẽ bật đèn nếu không đủ ánh sáng tự nhiên và có người đi qua. Điều đó có nghĩa rằng hệ thống sẽ phải kiểm tra cả hai điều kiện “ánh sáng” và “người di chuyển” để đưa ra lệnh bật đèn. Dạng thức điều khiển này thường áp dụng tại khu vực cầu thang, khu vực sảnh trước nhà và là một phần của hệ thống an ninh cho ngôi nhà.

 

Cảm biến ánh sáng kết hợp chuyển động giúp xử lý ánh sáng linh hoạt

6. Ngữ cảnh

Ngữ cảnh là sự kết hợp trạng thái của nhiều đèn tại một thời điểm. Chẳng hạn, khi bạn nhấn phím “ĂN TỐI”, đèn bàn ăn sẽ sáng 100%, đèn bếp sáng 50%, đèn của các khu vực khác trong nhà đồng thời tắt. Hoặc khi bạn nhấn phím “SLEEP” thì toàn bộ hệ thống đèn trong nhà sẽ tắt, đèn ngủ bật sáng với mức độ sáng 30%.

Các ví dụ trên cho thấy việc sử dụng chế độ điều khiển “ngữ cảnh” sẽ giúp tiết kiệm thời gian điều khiển đơn lẻ từng lộ đèn, tạo ra những hoạt cảnh thú vị và tiện ích trong cuộc sống. Hầu hết hệ thống chiếu sáng đều có kết hợp điều khiển ngữ cảnh, nếu không, điều khiển chiếu sáng sẽ không còn được coi là “thông minh” nữa.

Ngữ cảnh ánh sáng là trái tim của điều khiển chiếu sáng thông minh

7. Điều khiển chiếu sáng liên tục với ánh sáng cố định

Hình thức điều khiển này khá phức tạp so với nhu cầu của một gia đình thông thường. Thuật ngữ tiếng Anh gọi khái niệm chiếu sáng này là “constant lighting”, nghĩa là luôn luôn duy trì cường độ ánh sáng không đổi trong một khu vực. Chẳng hạn, bạn sử dụng constant lighting cho một căn phòng được sử dụng làm phòng học cho con cái. Theo thiết lập, ánh sáng trong căn phòng cần đảm bảo cường độ là 700lux, không được thấp hơn và cũng không được cao hơn, bao gồm kết hợp ánh sáng tự nhiên (cửa sổ) và ánh sáng đèn.

Để đáp ứng yêu cầu này, kỹ sư thiết kế sẽ phải chia căn phòng thành các zone nhỏ, lắp đặt cảm biến ánh sáng để đo cường độ ánh sáng chính xác, sau đó truyền lệnh để điều khiển tăng hoặc giảm cường độ ánh sáng đèn để ánh sáng luôn đáp ứng giá trị 700lux. Nhìn chung, hình thức này khá đặc thù và ít áp dụng với mô hình ngôi nhà thông minh, nó phù hợp hơn với mô hình văn phòng làm việc thông minh hoặc nhà xưởng.

Constant lighting thường áp dụng với văn phòng hoặc nhà xưởng

Thực tế là không có quy định cứng nhắc nào về việc ánh sáng phải được điều khiển như thế nào. Tất cả đều phụ thuộc vào nhu cầu của người dùng miễn là họ cảm thấy thoải mái trong ngôi nhà của mình.