Cảm biến laser: Khái niệm, nguyên lý, phân loại và ứng dụng

/ / Tin tức

Bạn có từng tưởng tượng về một thế giới nơi mọi thứ được đo lường, giám sát và điều khiển với độ chính xác milimet? Nơi mà những đôi “mắt thần” có thể phát hiện chuyển động và đo khoảng cách từ xa? Thế giới ấy sẽ không còn xa vời với sự ra đời của cảm biến laser. Bài viết này sẽ đưa bạn khám phá khái niệm và nguyên lý hoạt động của cảm biến laser, phân loại chúng theo chức năng và tìm hiểu những ứng dụng phổ biến của cảm biến laser trong nhiều lĩnh vực. 

Cảm biến laser là gì?

Đầu tiên, chúng ta cần hiểu tia laser là gì? Tia laser là một nguồn ánh sáng nhân tạo, được tạo ra bởi sự khuếch đại ánh sáng thông qua bức xạ kích thích từ các phần tử trong môi trường vật chất được kích thích cao độ. Chúng được ứng dụng để phát triển cảm biến laser.

Cảm biến laser sử dùng chùm tia laser để tạo một chùm sáng thẳng, giúp xác định vị trí chính xác của vật thể trong không gian. Chúng có khả năng đo lường các thông số vật lý như khoảng cách, độ dài, chiều cao, lưu lượng tốc độ, kích thước, vị trí của vật thể, v.v.

Cảm biến laser sử dụng chùm tia laser để tạo chùm sáng thẳng.

Cảm biến laser sẽ thu các tín hiệu quang điện và chuyển thành tín hiệu điện thông qua bộ chuyển đổi quang điện. Sau đó, bộ xử lý trung tâm sẽ tiếp nhận tín hiệu điện, xử lý và cho tín hiệu đầu ra là kết quả đo lường cụ thể cho người dùng. 

Nguyên lý hoạt động của cảm biến laser

Cảm biến laser hoạt động dựa trên 2 nguyên lý: Thời gian bay (Time of Fight – ToF) và góc tam giác như sau:

  • Nguyên lý thời gian bay: Cảm biến sẽ chiếu một tia laser lên bề mặt của vật thể cần xác định. Sau đó, tia laser sẽ được phản xạ lại từ bề mặt vật chất đó đến cảm biến. Cảm biến sẽ dựa trên thời gian từ khi phát tia laser đến khi nhận được tia phản xạ cùng với tốc độ ánh sáng để tính toán khoảng cách giữa cảm biến và vật thể. 
  • Nguyên lý góc tam giác: Cảm biến sẽ phát ra một chùm tia laser theo hình tam giác xuyên qua một thấu kính đến vật thể. Sau đó, chùm tia laser sẽ bị phản xạ và hội tụ tại một điểm trên cảm biến. Dựa trên sự thay đổi góc phản xạ, cảm biến sẽ xác định khoảng cách đến vật thể. Nguyên lý này áp dụng trong trường hợp phát hiện vật thể ở tầm ngắn, chẳng hạn như cảm biến laser phát hiện vật cản.

Phân loại cảm biến laser

Cảm biến laser được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khác nhau với chức năng chính là phát hiện và đo lường. Dựa trên chức năng, ta có thể phân loại cảm biến laser thành 3 loại chính:

Cảm biến laser phát hiện vật cản

Cảm biến laser có thể phát hiện sự hiện diện của vật thể trong một khu vực nhất định. Cảm biến này tính toán thời gian và độ lệch pha của tia laser phản xạ để xác định khoảng cách đến vật thể. Nếu khoảng cách đo được nhỏ hơn một giá trị nhất định, cảm biến sẽ báo hiệu có vật cản đang ở gần cảm biến. Ưu điểm của cảm biến như phạm vi đo rộng lên đến vài trăm mét với độ chính xác cao, hoạt động tốt trong môi trường bụi bẩn hoặc nhiều ánh sáng. 

Cảm biến phát hiện vật cản.

Cảm biến laser đo khoảng cách

Cảm biến laser còn được sử dụng để đo khoảng cách từ cảm biến đến vật thể mà không cần tiếp xúc gần. Nó có thể đo khoảng cách ở xa, tính bằng đơn vị km. Cảm biến laser đo khoảng cách hoạt động dựa trên nguyên lý thời gian bay (ToF). Cụ thể, khoảng cách giữa cảm biến và vật thể sẽ được tính toán chính xác dựa trên thời gian cần thiết để tia laser đi từ cảm biến đến bề mặt vật thể và phản xạ trở lại. 

Cảm biến laser đo khoảng cách.

Cảm biến laser đo độ dày

Cảm biến laser đo độ dày là thiết bị đo độ dày của các vật thể khác nhau. Có 2 loại cảm biến laser đo độ dày chính là cảm biến đơn (sử dụng một tia laser để đo độ dày) và cảm biến kép (sử dụng hai tia laser để đo độ dày). Cảm biến kép có độ chính xác cao hơn cảm biến đơn. Tuy nhiên, độ chính xác còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như độ dày, phạm vi hay chất liệu của vật thể cần đo. 

Cảm biến laser đo độ dày của các tấm kim loại.

Những lĩnh vực ứng dụng cảm biến laser 

Ứng dụng của cảm biến laser trong công nghiệp

Tương tự như cảm biến từ, cảm biến laser đóng vai trò quan trọng trong hệ thống tự động hóa và dây chuyền sản xuất hiện đại. Nhờ khả năng đo lường chính xác kích thước, hình dạng và vị trí của sản phẩm, cảm biến laser được ứng dụng rộng rãi trong các công đoạn kiểm tra chất lượng.

Ứng dụng phổ biến của cảm biến laser trong công nghiệp.

Ví dụ, trong ngành công nghiệp kim loại, cảm biến laser có thể kiểm tra độ dày của các tấm thép, nhôm, đồng,… giúp phát hiện kịp thời những lỗ hỏng hoặc nếp nhăn trên bề mặt, đảm bảo chất lượng sản phẩm đầu ra. 

Bên cạnh đó, một ứng dụng quan trọng khác của cảm biến laser là định vị robot trong không gian. Nhờ có cảm biến laser, robot có thể di chuyển chính xác và an toàn, thực hiện các nhiệm vụ phức tạp một cách hiệu quả.

>>> XEM THÊM: Cảm biến từ là gì? Ưu, nhược điểm và ứng dụng cảm biến từ

Ứng dụng của cảm biến laser trong đời sống

Công nghệ tiên tiến mang đến cho con người một cuộc sống tiện nghi, nhưng nỗi ám ảnh về trộm cắp vẫn luôn là rào cản khiến chúng ta không thể trọn vẹn tận hưởng cuộc sống của mình. Đó chính là lý do vì sao an ninh luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Giữa vô vàn những thiết bị chống trộm khác nhau trên thị trường, cảm biến laser chống trộm như một vệ sĩ thông minh mang đến cho bạn sự an tâm trọn vẹn. 

Cảm biến laser chống trộm.

Sở hữu khả năng phát hiện sự xâm nhập trái phép và theo dõi chính xác chuyển động, cảm biến laser sẽ báo động kịp thời, giúp bạn ngăn chặn hành vi trộm cắp ngay từ đầu. Hoạt động hiệu quả trong mọi điều kiện, bất kể ngày đêm hay thời tiết khắc nghiệt. 

Xu hướng phát triển của cảm biến laser

  • Cảm biến laser tích hợp AI: Khi cảm biến được tích hợp trí tuệ nhân tạo, cảm biến laser sẽ nâng cao khả năng phân tích và xử lý dữ liệu. Nhờ vậy, cảm biến laser có thể nhận diện chính xác các đối tượng và đưa ra quyết định thông minh hơn trong các ứng dụng như giám sát và an ninh.
  • Phát triển cảm biến laser nhỏ gọn và tiết kiệm năng lượng: Kích thước nhỏ họn sẽ giúp cho việc tích hợp cảm biến laser vào các thiết bị khác dễ dàng hơn. Từ đó, có thể mở rộng ứng dụng trong nhiều lĩnh vực. 
  • Kết nối Internet vạn vật (Internet of Things): Cảm biến laser kết nối với các thiết bị điện thông minh khác trong mạng lưới IoT, cho phép truyền dữ liệu thời gian thực đến các thiết bị khác. Điều này giúp tạo ra các hệ thống thông minh và tự động hóa trong nhiều lĩnh vực như nhà thông minh, xe tự lái.

>>> XEM THÊM: AI là gì? Ứng dụng công nghệ AI trong nhà thông minh

Lời kết

Cảm biến laser là một công nghệ đột phá với khả năng đo lường, phát hiện và điều khiển chính xác. Nhờ vậy, cảm biến laser đã và đang được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực từ công nghiệp, an ninh đến đời sống hàng ngày. Có thể khẳng định rằng, cảm biến laser đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của khoa học công nghệ và nâng cao chất lượng cuộc sống con người. Với những tiềm năng phát triển to lớn, cảm biến laser hứa hẹn mang đến nhiều đột phá hơn nữa ở nhiều lĩnh vực trong tương lai.