Home Assistant là gì? Top 3 tính năng nổi bật nhất

/ / Tin tức

Trong kỷ nguyên Internet of Things, nhà thông minh đang là một trong những xu hướng công nghệ nổi bật khi mọi thiết bị trong nhà được điều khiển dễ dàng thông qua điện thoại thông minh hoặc giọng nói. Nhưng để các thiết bị thông minh hoạt động trơn tru và nhịp nhàng với nhau, chúng cần được quản lý thông qua một phần mềm. Một trong nhũng phần mềm quản lý phổ biến nhất hiện nay có tên là Home Assistant. Vậy Home Assistant là gì? Có những tính năng nổi bật nào? Ưu, nhược điểm của chúng là gì? Và được ứng dụng như thế nào trong hệ thống nhà thông minh? Hãy theo dõi ngay bài viết dưới đây để bạn có cái nhìn chi tiết hơn về Home Assistant nhé! 

Home Assistant là gì 

Home Assistant (hay được gọi là trợ lý nhà thông minh) là một phần mềm điều khiển và quản lý các thiết bị nhà thông minh, được lập trình bằng ngôn ngữ lập trình Python 3. Phần mềm này là một mã nguồn mở và miễn phí nên chúng có thể hoạt động trên hầu hết các hệ điều hành. Home Assistant tương thích với hầu hết tất cả các thiết bị thông minh có trên thế giới như đèn, điều hòa, khóa cửa, loa, robut hụt lụi lau nhà, v.v. Người dùng có thể thiết lập lịch trình và kết hợp các thiết bị nhà thông minh riêng lẻ theo nhu cầu của bạn thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh hoặc website. Hiện tại, chúng còn được hỗ trợ thực hiện điều khiển trên cả đồng hồ thông minh.

Hiểu theo cách đơn giản, bạn có thể hình dung Home Assistant như một cầu nối cho các thiết bị trong nhà thông minh sử dụng công nghệ IoT khác nhau như Google, Apple, Tuya, Sonos, v.v. 

Giao diện của phần mềm Home Assistant.

Với phần mềm Home Assistant, người dùng tự do điều khiển Smarthome của mình mà không lo dữ liệu hay thông tin bị rò rỉ. Bởi vì phần mềm này có khả năng điều khiển cục bộ với tính bảo mật cao hơn nhiều so với lưu trữ trên Cloud và tốc độ truyền tải dữ liệu nhanh chóng, ổn định.

Các tính năng nổi bật của Home Assistant

Tự động hóa nhà thông minh

Home Assistant cho phép bạn tự động hóa các tác vụ trong nhà theo nhiều cách khác nhau. Bạn có thể thực hiện các tác vụ từ đơn giản như tự động bật/tắt đèn, điều chỉnh nhiệt độ, khóa cửa,… cho đến phức tạp hơn như thiết lập ngữ cảnh dựa trên các điều kiện nhất định.

Ví dụ: Bạn có thể tạo một kịch bản để tự động hóa hệ thống tưới nước cho khu vườn của mình. Với điều kiện nhiệt độ ngoài trời cao hơn 30°C, độ ẩm đất thấp hơn 40% trong khoảng thời gian từ 6 – 8 giờ sáng, bật hệ thống tưới nước tự động cho từng khu vực cụ thể trong vườn theo thời gian đã được cài đặt. Và tự động tắt hệ thống tưới nước sau khi hoàn tất.

Thiết lập ngữ cảnh tưới nước tự động cho khu vườn bằng Home Assistant.

Điều khiển nhà thông minh bằng trợ lý ảo 

Ngoài việc cho phép người dùng điều khiển từ xa các thiết bị được kết nối thông qua phần mềm trên điện thoại. Home Assistant còn hỗ trợ điều khiển bằng giọng nói thông qua các trợ lý ảo như Google Assistant, Amazon Alexa, Apple Siri và các dịch vụ khác. Hơn nữa, người dùng có thể sử dụng giọng nói để điều khiển các thiết bị điện tử trong nhà, thay đổi cài đặt, kích hoạt kịch bản. 

Ví dụ: Bạn có thể sử dụng giọng nói để tắt đèn phòng khách bằng cách nói “Ok Google, tắt đèn phòng khách”.

Điều khiển các thiết bị thông minh thông qua trợ lý ảo của Google.

Giám sát ngôi nhà với Home Assistant 

Home Assistant cho phép theo dõi mức tiêu thụ năng lượng của từng thiết bị điện thông thông, giám sát camera an ninh và gửi thông báo đến điện thoại di động khi có sự xuất hiện của người lạ trong nhà. Chúng sẽ vô cùng hữu ích trong trường hợp bạn vắng nhà và muốn giám sát tình trạng smarthome của mình. 

Giám sát từ xa ngôi nhà của bạn với Home Assistant.

Bên cạnh đó, số lượng thiết bị được Home Assistant hỗ trợ lên đến hơn 1.500 thiết bị. Các thiết bị này đến từ nhiều thương hiệu lớn có thể kể đến như Google, Amazon, Apple, Microsoft, Adobe, Facebook, LG, Huawei,…

Một số ưu điểm của Home Assistant

Tốc độ và bảo mật: Vì Home Assistant là bộ điều khiển cục bộ có thể kết nối các thiết bị trong nhà lại với nhau, khi người dùng kích hoạt các thiết bị hoạt động thì toàn bộ quá trình xử lý chỉ diễn ra trong nhà mà không có dữ liệu nào được gửi qua máy chủ web. Do đó, không những thông tin được bảo mật mà tốc độ truyền tải dữ liệu cũng cực kì nhanh chóng. Đây là một trong những số những lý do khiến nền tảng Home Assistant được nhiều người tin dùng. 

Khả năng tương thích: Home Assistant tương thích với hầu hết các thiết bị nhà thông minh hiện nay trong hệ sinh thái IoT. Điều này cho phép người dùng kết nối và điều khiển nhiều loại thiết bị trong nhà của họ, bao gồm cả những thiết bị từ các thương hiệu nổi tiếng như Amazon Alexa, Google Home. Vì vậy, bạn không cần phải lo lắng về việc bạn đã mua sản phẩm từ nhiều nhà cung cấp khác nhau sẽ không được kết nối. 

Kiểm soát: Vì phần mềm này là một nguồn mở nên người dùng có thể tự do điều chỉnh các thiết bị trong nhà hoạt động theo ý muốn, nhu cầu cụ thể của mình. Trong khi sử dụng dịch vụ đám mây, người dùng sẽ bị hạn chế đặc quyền này vì phải phụ thuộc vào ý muốn của nhà cung cấp.

Ứng dụng Home Assistant trong hệ thống nhà thông minh

Home Assistant có thể ứng dụng trong nhà thông minh ở nhiều khía cạnh, có thể kể đến như sau:

Chiếu sáng

Dùng để tự động hóa các loại đèn bằng các cách như bật đèn khi phát hiện có người chuyển động trong khu vực được giám sát hoặc điều chỉnh độ sáng thấp cùng ánh sáng vàng khi hoàng hôn. Thậm chí người dùng còn có thể tạo lập các ngữ cảnh chiếu sáng khác nhau trong ngày theo thói quen sinh hoạt của gia đình. Ngoài ra bạn hoàn toàn điều khiển các thiết bị thông minh khác như loa, camera, robot hút bụi, điều hòa, bình nóng lạnh, v.v trên app vô cùng tiện lợi. 

Điều khiển hệ thống chiếu sáng qua ứng dụng Home Assistant.

An ninh

Khi bạn vắng nhà, bạn có thể kích hoạt hệ thống an ninh trên Home Assistant để giám sát ngôi nhà thông qua hệ thống camera. Khi có những thay đổi xảy ra, thông báo về chúng sẽ được gửi ngay đến điện thoại của bạn. Vì vậy, ta có thể thấy, Home Assistant đóng một vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao an toàn cho tài sản và tính mạng của các thành viên trong gia đình.

Bảo mật

Sự phát triển không ngừng của internet và các sản phẩm thông minh, vấn đề về bảo mật thông tin người dùng là chủ đề luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt. Từ sở thích cá nhân, thói quen cho đến thông tin có ảnh hưởng đến tài sản như mật khẩu tài khoản ngân hàng, ví điện tử đều cần được cam kết bảo mật trong quá trình sử dụng. Do đó, việc phát triển sản phẩm bắt buộc phải đi đôi với bảo vệ người dùng. Ở khoản này, Home Assistant làm khá tốt vì chúng không lưu trữ dữ liệu của người dùng trên máy chủ hay đám mây. Đồng thời, chúng có độ bảo mật thông tin cao nên đảm bảo được sự riêng tư và tự do cá nhân cho người dùng của mình. 

Lời kết

Home Assistant là một phần mềm quản lý các thiết bị nhà thông minh mạnh mẽ, linh hoạt và hoàn toàn miễn phí. Với khả năng tự động hóa các tác vụ, điều khiển từ xa qua điện thoại thông minh, đồng hồ thông minh hay giọng nói, tương thích với nhiều thiết bị từ nhiều nhà sản xuất khác nhau và hơn thế nữa, Home Assistant sẽ là một lựa chọn hoàn hảo cho những ai muốn biến ngôi nhà của mình thành một “thiên đường” thông minh. 

XEM THÊM:

Trợ lý ảo – Người bạn đồng hành thông minh cho cuộc sống hiện đại

Thiết bị điện thông minh là gì? Những lợi ích không ngờ khi sử dụng