Trợ lý ảo là gì? Các tính năng của trợ lý ảo thông minh

/ / Tin tức

Bạn có bao giờ tưởng tượng rằng mình có thể điều khiển mọi thứ trong nhà chỉ bằng giọng nói? Hay bạn muốn tìm kiếm thông tin nhanh chóng, giải trí đa dạng và quản lý cuộc sống hiệu quả hơn? Tất cả điều đó đều có thể thực hiện được với trợ lý ảo – công nghệ mới nổi đầy tiềm năng đang dần trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại. Với khả năng hỗ trợ đa dạng và hiệu quả, trợ lý ảo đang dần thay đổi cách chúng ta tương tác với công nghệ và thế giới xung quanh. Bài viết này sẽ giúp bạn giải đáp các thắc mắc về trợ lý ảo. Hiểu được nó là gì? Các hình thức tương tác, tính năng của trợ lý ảo là gì? Vai trò của nó trong nhà thông minh như thế nào? Hãy cùng HISVN tìm hiểu ngay trong bài viết dưới đây nhé!

Trợ lý ảo là gì? Trợ lý ảo nhà thông minh là gì? 

Sự bùng nổ của công nghệ trong thế giới hiện đại đã trở thành cuộc đua giữa những gã công nghệ khổng lồ. Xuất hiện ngày càng nhiều những công nghệ mới như một xu hướng tất yếu, làm thay đổi cách làm việc của con người theo hướng thuận tiện hơn. Việc ứng dụng AI hay trợ lý ảo trong công việc sẽ là một bước tiến đáng kể về hiệu suất làm của cả cá nhân và doanh nghiệp. Từ đó, mở ra cơ hội để tiếp cận những ý tưởng sáng tạo, sản phẩm công nghệ tiên tiến.

Vậy trợ lý ảo là gì? Trợ lý ảo (tiếng Anh là Virtual Assistant) là các chương trình phần mềm mô phỏng các chức năng của trợ lý cá nhân. Nó có thể hỗ trợ thực hiện các hoạt động hằng ngày như tìm kiếm thông tin, quản lý email, lên lịch cuộc họp,… Trợ lý ảo thường được tích hợp trong các thiết bị cầm tay như điện thoại, máy tính bảng. Các trợ lý ảo phổ biến ngày nay có Apple Siri, Google Assistant, Microsoft Cortana, Samsung Bixby, Amazon Alexa.

Trợ lý ảo có khả năng thực hiện các tác vụ hoặc dịch vụ cho cá nhân người sử dụng. 

Trợ lý ảo được thiết kế để tiếp nhận đầu vào và thực hiện các tác vụ thông qua lệnh thoại (giọng nói). Trợ lý ảo có thể diễn giải giọng nói của con người và được hỗ trợ bởi mạng nơ-ron nhân tạo cho phép dự đoán ý định của người dùng. 

Hiện nay, nhờ được hỗ trợ bởi công nghệ AI, trợ lý ảo đã có thể phân tích dữ liệu người dùng. Tìm hiểu sở thích, hành vi người dùng theo thời gian và trở nên khôn ngoan hơn khi có thể đưa ra những gợi ý phù hợp với nhu cầu của họ. Thậm chí, còn có thể dự đoán trước nhu cầu người dùng trong tương lai.

Trợ lý ảo có thể phân tích dữ liệu để đưa ra gợi ý phù hợp với nhu cầu người dùng.

Trợ lý ảo còn được ưa chuộng trong hệ thống nhà thông minh. Các thiết bị tích hợp trợ lý ảo như loa thông minh, màn hình thông minh,… Nó có khả năng nhận diện giọng nói, hiểu ngôn ngữ tự nhiên và thực hiện các tác vụ được yêu cầu bằng giọng nói. Chẳng hạn như người dùng có thể ra lệnh cho rèm cửa đóng hoặc mở thông qua giọng nói. Nhờ khả năng nâng cao trải nghiệm sống và sự tiện nghi, trợ lý ảo nhà thông minh ngày càng được sử dụng rộng rãi trong các nhà thông minh. 

Hình thức tương tác của trợ lý ảo

Văn bản

Người dùng nhập câu hỏi bằng văn bản vào giao diện của trợ lý ảo. Sau đó, trợ lý ảo sẽ hiểu câu hỏi của người dùng nhờ trí tuệ nhân tạo và tìm kiếm thông tin để trả lời một cách hợp lý. Ví dụ như bạn nhập câu hỏi “Nhà thông minh là gì?”, Google Assistant sẽ lấy dữ liệu từ công cụ tìm kiếm Google để chuyển đổi thông tin thành văn bản cho bạn. Đồng thời, hiển thị những kết quả tìm được trên công cụ tìm kiếm. 

Người dùng nhập câu hỏi bằng văn bản vào ứng dụng Google Assistant.

Giọng nói

Hình thức tương tác bằng giọng nói cho phép người dùng đặt câu hỏi hoặc trò chuyện với trợ lý ảo bằng giọng nói. Quá trình tương tác và phản hồi của hình thức này cũng tương tự như văn bản. Khi người dùng nói ra câu hỏi, yêu cầu của mình, trợ lý ảo sẽ nhận dạng giọng nói và xử lý để hiểu và đưa ra câu trả lời bằng giọng nói. Đồng thời, trong một số trường hợp, trợ lý ảo sẽ phản hồi cả bằng giọng nói và kết quả trên công cụ tìm kiếm mà nó tìm được. 

Trợ lý ảo có khả năng nhận lệnh thoại và thực hiện theo yêu cầu. 

Tương tác bằng giọng nói sẽ tiết kiệm thời gian hơn việc gõ bằng văn bản. Và chúng sẽ cực kì tiện lợi trong những trường hợp mà người dùng không rảnh tay như đang lái xe hay mang vác đồ vật. 

Hình ảnh

Dựa trên hình ảnh mà người dùng cung cấp, trợ lý ảp sẽ đưa ra những phản hồi về thông tin của hình ảnh đó. Nó có thể là nguồn, thông tin chi tiết về hình ảnh để đáp ứng nhu cầu của họ. Ví dụ như bạn nhìn thấy một loài hoa nhưng không biết chúng tên gì và liệu có an toàn khi bạn ngửi không. Bạn có thể chụp ảnh lại và trợ lý ảo sẽ đề xuất những thông tin về loài hoa đó. 

Bên cạnh đó, trợ lý ảo sẽ sử dụng hình ảnh hoặc trình bày dữ liệu (có thể là biểu đồ) để thông tin đến người dùng. Tương tự như văn bản và giọng nói ở trên, hình ảnh cũng là một phương thức giao tiếp giữa người dùng và trợ lý ảo. Cách này sẽ hiển thị thông tin một cách trực quan hơn cũng như người dùng không cần phải đọc văn bản hay nghe trợ lý ảo nói.

Các tính năng của trợ lý ảo

Điều khiển tự động bằng giọng nói

Khi bạn giao tiếp với trợ lý ảo bằng giọng nói, chúng sẽ được chuyển thành dữ liệu để trợ lý hiểu nội dung mà bạn nói. Thay vì phải sử dụng bàn phím hay màn hình càm ứng để nhập văn bản, bạn có thể gửi lệnh yêu cầu bằng giọng nói. Tùy theo lệnh thoại mà bạn yêu cầu, trợ lý ảo sẽ thực hiện các tác vụ theo lệnh thoại đó. Ví dụ như bạn muốn robot hút bụi lau nhà thông minh dọn dẹp phòng khách, bạn sẽ nói “Ok YIKO, clean the living room”, trợ lý ảo sẽ ngay lập tức điều khiển robot hút bụi lau nhà thực hiện ngay công việc mà bạn yêu cầu.  

Điều khiển robot hút bụi lau nhà thông minh trong Smarthome bằng giọng nói. 

Vì tính năng này nhận diện giọng nói nên bạn nên nói rõ chữ để trợ lý ảo hiểu và thực hiện chính xác yêu cầu của bạn. Một số trợ lý ảo hiện nay có thể hiểu văn nói tự nhiên mà không cần người dùng phải nói đúng cấu trúc câu.  

Phản hồi câu hỏi của người dùng 

Trợ lý ảo có khả năng liên kết thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. Nó có thể lấy thông tin từ các công cụ tìm kiếm như Google và Bing và các ứng dụng để chuyển đổi thông tin liên quan đến câu hỏi thành thông tin văn bản hoặc giọng nói. Trợ lý ảo sử dụng các kỹ thuật xử lý ngôn ngữ tự nhiên để tạo ra câu trả lời rõ ràng, súc tích và dễ hiểu. Đồng thời chọn lọc và sắp xếp thông tin theo mức độ phù hợp. Do đó, người dùng sẽ nắm được thông tin một cách nhanh chóng, dễ dàng mà không phải tự nhập câu hỏi vào công cụ tìm kiếm và tìm đọc câu trả lời thích hợp. 

Thực hiện cuộc gọi, đọc tin nhắn theo lệnh 

Các trợ lý ảo thực hiện các nhiệm vụ của trợ lý hoặc thư ký cá nhân như gọi điện đến người bạn muốn gọi mà không cần phải mở điện thoại lên rồi vào danh bạ tìm kiếm. Hơn nữa, trợ lý ảo còn thực hiện các tác vụ khác như ghi chú, đọc to tin nhắn văn bản hoặc email, tra cứu số điện thoại, lên lịch, và nhắc người dùng về các cuộc hẹn. Hoặc giúp đọc ra các hướng dẫn trên bản đồ hoặc cập nhật về thời tiết và trò chuyện với người dùng trong một cuộc trò chuyện thường nhật.

Nhận diện gương mặt

Tính năng không chỉ có trên điện thoại mà giờ đây còn được sử dụng trong các camera an ninh. Khi đó người đến nhà bạn, camera an ninh thông mính sẽ chụp ảnh khuôn mặt của họ. Tiếp theo, so sánh ảnh chụp với danh bạ khuôn mặt đã lưu. Nếu khớp, cửa sẽ tự động mở theo cài đặt trước đó của bạn. Nhờ thông báo chính xác ai đã đến nhà bạn theo danh bạ gương mặt người dùng đã lưu sẵn sẽ giúp củng cố an ninh ngôi nhà bạn thêm chặt chẽ hơn.  

Khả năng học hỏi từ người dùng

Với việc sử dụng công nghệ AI, các trợ lý ảo giờ đây còn có khả năng phân tích dữ liệu người dùng. Dựa trên đó để đưa ra những gợi ý, đề xuất phù hợp nhất với từng người dùng. Cụ thể hơn, trợ lý ảo sẽ dựa vào lịch sử tương tác (câu hỏi, yêu cầu) trước đó để dự đoán và cung cấp thông tin phù hợp hơn cho lần sau. 

Trợ lý ảo hiện hỗ trợ trên những nền tảng nào?

Hệ điều hành của thiết bị điện tử

Trợ lý ảo Siri: Đây là trợ lý ảo thông minh của Apple. Chỉ có các sản phẩm trong hệ sinh thái của Apple mới có tính năng này. Với khả năng phản hồi chính xác, nhanh chóng và đặc biệt là độ bảo mật cao đã giúp Apple xây dựng được tình yêu thương hiệu trong lòng khách hàng. Trợ lý ảo Siri cũng làm tốt hơn Google Assistant ở những điểm này. Để kích hoạt trợ lý ảo, người dùng chỉ cần nói “Hey Siri” và tiếp tục ra lệnh để trợ lý thực hiện. 

Trợ lý ảo Google Assistant: Trong khi, Siri chỉ có trên hệ điều hành iOS thì Google Assistant có trên cả thiết bị Android, PC Windows và iOS có cài đặt Google Chrome. Nó không giới hạn trải nghiệm người dùng dựa trên hệ điều hành. Điều này tạo sự linh hoạt và thích ứng rộng rãi của trợ lý ảo này. Hơn nữa, người dùng có thể giao tiếp với trợ lý ảo Google Assistant bằng ngôn ngữ tiếng Việt. Điều mà Siri chưa làm được.

Trợ lý ảo Bixby: Bixby là trợ lý online độc quyền của Samsung. Bixby đã đáp ứng khá tốt đến nhu cầu của người sử dụng nhưng nó vẫn chưa có nhiều cải tiến đáng kể. Do vậy, trợ lý ảo này hiện tại chưa được phổ biến rộng rãi như Siri hay Google Assistant.

Trợ lý ảo Alexa: Đây là trợ lý ảo của sản thuộc một tập đoàn nổi tiếng với sàn thương mại điển tử lớn nhất thế giới – Amazon. Trợ lý Alexa của Amazon có thể kết nối và điều khiển từ xa hầu hết tất cả các thiết bị thông minh trong nhà. Chẳng hạn các thiết bị có tích hợp Alexa như loa thông minh và màn hình Echo Show, Spot. Công cụ này hoạt động tốt khi trả lời các câu hỏi cơ bản, đặc biệt là câu hỏi liên quan đến việc mua hàng trên Amazon và đặt lời nhắc. Tuy nhiên, Alexa vẫn phổ biến nhất tại Mỹ và châu Âu. 

Trợ lý ảo Cortana, Copilot: Đây là những trợ lý thông minh được phát triển cho hệ điều hành Windows của Microsoft. Copilot xuất hiện trong Windows 11 tích hợp các tính năng văn phòng mạnh mẽ để hỗ trợ công việc nghiên cứu, phân tích dữ liệu và tạo các tài liệu, báo cáo. Copilot có thể tìm kiếm thông tin nhanh chóng, tạo nội dung từ các câu trả lời và tận dụng dữ liệu của tổ chức một cách hiệu quả và duy trì tính bảo mật thông tin. 

Các thiết bị trong nhà thông minh 

Hiện nay, việc điều khiển tự động các thiết bị thông minh trong Smarthome không còn là điều gì quá xa lạ nữa. Một trong những cách phổ biến và được ứng dụng nhiều nhất là điều khiển bằng giọng nói. Trong hệ sinh thái nhà thông minh, trợ lý ảo này có thể được tích hợp trong các thiết bị thông minh sau:

  • Loa thông minh 
  • Màn hình thông minh
  • Camera thông minh 
  • Bộ phát Wifi Mesh Point 
  • Thiết bị truyền phát hình ảnh, video, âm thanh 
  • Khóa thông minh 
  • Laptop, máy tính bảng, đồng hồ thông minh
  • Và nhiều thiết bị thông minh khác.

Điều khiển các thiết bị thông minh trong Smarthome theo ý muốn của bạn với trợ lý ảo. 

>>> Tìm hiểu thêm:

Những điều cần biết trước khi chọn mua robot hút bụi lau nhà thông minh

Top 8 Kịch Bản Ngữ Cảnh Nhà Thông Minh Cho Một Ngày Điển Hình

Vai trò của trợ lý ảo trong nhà thông minh 

Một ngôi nhà thông minh sẽ hướng tới một ngôi nhà “hoàn toàn tự động”. Chỉ bằng những câu lệnh đơn giản, bạn có thể bật/tắt đèn, điều chỉnh nhiệt độ điều hòa, mở/khóa cửa,… mà không cần phải di chuyển hay thao tác trực tiếp trên các thiết bị. Và đó chính là khi “trợ lý ảo” phát huy tác dụng điều khiển thiết bị. Hơn nữa, khi có bất cứ thắc mắc nào cũng có thể được trợ lý ảo giải đáp nhanh chóng. Giờ đây, việc điều khiển các thiết bị IoT trong Smarthome với sự trợ giúp của trợ lý ảo là một phần không thể thiếu.

Trợ lý ảo là một công nghệ mới bùng nổ mạnh mẽ đầy tiềm năng, mang đến nhiều lợi ích cho người dùng trong cuộc sống hiện đại. Với khả năng hỗ trợ đa dạng và hiệu quả, trợ lý ảo đang dần trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống nói chung và nhà thông minh nói riêng. Trợ lý ảo hứa hẹn sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.